Chuyển đến nội dung chính

Phụng Vũ Trần Triều chương 51

 C51. Đêm rằm tháng giêng

Ngày xuân cứ thế mà trôi nhanh như cánh én đưa thoi, mới đó mà đã đến Tết Nguyên Tiêu. Vào đêm rằm tháng giêng này, Huyền Dao đã dặn Đàm Hoa sắp xếp một buổi yến tiệc ở Tây Hồ, để Nhật Suỷ cùng Thượng hoàng và Thái hậu xuất cung du ngoạn.

Nhưng Huyền Dao cũng dặn dò kỹ lưỡng, việc đề xuất thưởng ngoạn Tây Hồ lần này, nhất định Đàm Hoa phải nói là tự mình nghĩ ra, vậy thì Nhật Suỷ mới luận công mà bỏ qua những lỗi lầm của nàng trong quá khứ.

Đàm Hoa mừng thầm trong bụng, chỉ biết tìm cách để Huyền Dao thoải mái trong chuyến xuất cung lần này. Ai ngờ Huyền Dao nói nàng sẽ không xuất cung, ngay cả Lệ Uyển cũng giống như thế. Bởi lẽ cái thai của hai nàng cũng đã lớn, chỉ có thể ở trong cung cẩn thận tịnh dưỡng.

Thấy vậy nên Đàm Hoa cũng đành theo kế mà tâu lại mọi chuyện với Nhật Suỷ. Sau khi nghe Đàm Hoa đòi tổ chức yến tiệc ngoài cung, ban đầu Nhật Suỷ còn cảm thấy nàng có chút trẻ con. Nhưng sau khi được Đàm Hoa phân tích cặn kẽ, nói rằng đây là dịp để Thượng hoàng và Thái hậu xuất cung du ngoạn, Nhật Suỷ cũng cảm thấy lời này của nàng có lý, lại cảm thấy Đàm Hoa cũng đã dần hiểu chuyện.

Ngày lành cuối cùng cũng đến, ngoại trừ Huyền Dao và Lệ Uyển đang mang thai, còn Tuệ Doanh thì đang bị cấm túc, chúng phi tần cùng nhau ngự thuyền đến điện Hàm Nguyên dựng cạnh Tây Hồ. Riêng một mình Như Lộ cảm thấy không khoẻ trong hôm xuất hành, cho nên nàng đã xin Nhật Suỷ được ở lại trong cung, chuyện này đã được chàng chấp thuận!

Bấy giờ cảnh xuân ở Tây Hồ đẹp tựa tranh vẽ, cô Tịnh Văn đang ngồi cùng Thái hậu trong thuyền, nhìn thấy hình ảnh đền Quán Thánh xa xa, bà liền nhẹ giọng nói: "Vào đêm giao thừa, mẹ của Chiêu Hiến Quận chúa nói rằng bà đã bốc được một quẻ cát lợi cho con gái ở đây. Lần này Thái hậu có dịp xuất cung, hay là cũng xem một quẻ cho Huệ Vũ Đại vương?"

Thái hậu có chút băn khoăn, nhưng mà cuối cùng cũng gật đầu đáp: "Lát nữa chúng ta hãy đến gặp bà ấy!"

Đền Quán Thánh nằm ở phía bắc thành Thăng Long, tính đến nay đã tồn tại được mấy trăm năm, bên trong thờ vị thần Huyền Thiên Trấn Vũ, cùng với Bạch Mã ở phía đông, Phục Tượng ở phía tây, và Kim Liên ở phía nam, hợp thành Thăng Long Tứ Trấn.

Thái hậu cùng cô Tịnh Văn bước vào một gian nhà tranh ở hậu viện của đền Quán Thánh, chỉ thấy một vị đạo cô ngồi xếp bằng trên tấm bồ đoàn trước điện thờ. Tóc của bà đã bạc trắng tinh, mấy chấm đồi mồi ở trên da không giấu được sự già nua của một người ngoài tám mươi tuổi. Nhưng mà đạo cô này vẫn còn minh mẫn lắm! Nghe thấy tiếng bước chân từ xa, bà đã biết người đến thăm mình là đương kim Thái hậu: "Cũng đã lâu lắm rồi bà già này mới gặp người trong cung!"

Vị đạo cô trẻ tuổi quỳ bên cạnh nghe đến đây thì nhanh chóng đứng lên lui ra ngoài. Cô Tịnh Văn cũng gấp gáp đỡ Thái hậu đi vào trong, sau đó cẩn thận đóng cửa lại, chỉ thấy Thái hậu quỳ rập sau lưng vị đạo cô tóc bạc kia rồi cung kính nói: "Quả thực cũng đã lâu rồi con không đến đây để thăm Thái Thái hoàng Thái phi, đây quả thực là lỗi của con! Ở đây ngoài một số đồ vật thiết yếu mà hằng tháng con vẫn gửi đến chỗ của người, còn có vài cân kỳ nam mà Chiêm Thành tiến cống. Con biết lúc Thái Thái hoàng Thái phi còn là phi tử của Thái tông, người rất thích mùi trầm hương thượng hạng này!"

Vị đạo cô tóc trắng ở đó lúc này mới chậm rãi ngồi dậy, cô Tịnh Văn muốn bước đến đỡ lấy tay bà, nhưng Thái hậu đã nhanh hơn một bước.

"Phàm là người đã quá già, mắt sẽ mờ còn tai thì yếu, lưỡi sẽ tê không thể nếm ra được vị gì, mũi cũng như thế, không còn có thể ngửi được mùi thơm. Thái hậu còn nhớ đến bà già vô dụng này đã là quý lắm rồi, không cần đem kỳ nam hay trầm hương gì đó đến đây đâu. Huống hồ gì bà già này đã rời khỏi hậu cung từ lâu, Thái hậu cũng đừng nên gọi ta bằng cái danh xưng đó. Hiện giờ bà già này may mắn được sống nương nhờ ở đền Quán Thánh, Thái hậu cứ gọi ta hai tiếng đạo cô là được!" – đạo cô tóc trắng nói đến đây thì đã được Thái hậu dìu đến bên cửa sổ. Bà chậm rãi ngồi xuống bên ấm trà thoang thoảng hương thơm, trỏ tay vào đó mà dịu dàng nói: "Đây là trà lài Thái Nguyên, già này biết hôm nay Thái hậu sẽ đến, cho nên đã nhờ Trác Uyên pha sẵn ấm trà này! Thái hậu vẫn còn thích vị trà này chứ?"

Thái hậu nể phục đáp: "Những người lớn tuổi khác thì mắt mờ tai yếu, mũi điếc lưỡi tê, nhưng mà Thái Thái hoàng Thái phi thì khác, trước giờ người vẫn luôn sáng suốt, minh mẫn, lại liệu sự như thần, đoán ra được hôm nay nhất định con sẽ đến. Lúc trước Thái tông tặng cho người phong hiệu Huệ Túc, quả thực là rất xứng với người! Con không nỡ gọi người bằng một tiếng đạo cô qua loa, chỉ đành cung kính gọi thêm phong hiệu này!"

Người có phong hiệu Huệ Túc đó chính là phi tần trong hậu cung của Thái tông – ông cố của Quan gia, cho nên Thái hậu mới lễ phép gọi bà ta là Thái Thái hoàng Thái phi. Nhưng mà với một người đã cao tuổi như bà, tước vị hay phong hiệu này đều chẳng còn quan trọng: "Cũng đã ngồi vững trên vị trí này rồi, Thái hậu vẫn luôn giữ kẻ như vậy sao?"

"Huệ Túc đạo cô hẳn cũng biết, trước giờ con vẫn luôn đặt lễ nghi trên đầu. Trước là quân thần, sau mới là thân quyến. Chỉ có vậy mới có thể bảo toàn cho bản thân mình!"

Huệ Túc đạo cô nghe đến đây thì khép đôi mắt phượng, chỉ chậm rãi gật gù đáp: "Lời của Thái hậu già này đã hiểu. Ngần ấy năm đã trôi qua, chỉ mong con trẻ đã tránh được vận hạn nghiệt ngã! Hãy thay ta gọi Trác Uyên vào đây!"

Thái hậu đưa mắt nhìn về phía cô Tịnh Văn chậm rãi gật đầu. Bà hiểu ý bước ra ngoài đi tìm Trác Uyên, chỉ thấy nàng ta đã cầm sẵn trên tay một chiếc đĩa, trên đó đựng một chiếc mai rùa cùng với vài đồng tiền dùng để bói quẻ.

Trác Uyên đem tất cả dụng cụ vào trong rồi cắm một nén hương trên điện thờ trước khi lui xuống. Huệ Túc đạo cô lúc này ngồi lặng thần bên cửa sổ đôi lát, miệng niệm vài câu chú mà người thường sẽ không hiểu được. Sau đó bà hít một hơi thật sâu rồi tiến hành bói quẻ. Tiếng đồng xu va vào mai rùa rồi rớt xuống chiếc đĩa sứ làm không khí trong phòng càng thêm tĩnh lặng.

Sau sáu lần gieo đồng xu xuống, Huệ Túc đạo cô đã bói được cho Thái hậu một quẻ trong kinh dịch, có điều thần sắc của bà lại không được tươi tắn cho lắm.

Thái hậu trông thấy sắc mặt của Huệ Túc đạo cô không được tốt, bản thân đã ngầm suy đoán ra được chuyện gì: "Là quẻ xấu hay quẻ tốt vậy ạ?"

"Bản chất của quẻ này chính là sấm đánh trên mặt hồ, dẫn đến cảnh tối tăm, mù mịt. Người lấy được quẻ này sẽ bị chuyện tình cảm làm dao động, nếu như không cẩn thận, nhẹ thì đau thương khó chữa, nặng thì sẽ bị ảnh hưởng đến tính mạng!"

Huệ Túc đạo cô nói đến đây thì đã thấy Thái hậu quỳ rập xuống nền gạch lạnh lẽo: "Cầu xin người hãy giúp cho Quốc Chẩn! Lần đó cũng là một quẻ hạ hạ, chính người đã chỉ dẫn cho con tìm ra đường đi, mới có thể giúp cho Quốc Chẩn vượt qua tai kiếp. Lần này cũng như thế, cúi mong người tìm cho Quốc Chẩn một con đường sáng!"

Huệ Túc đạo cô thở dài: "Quẻ hạ hạ ngày đó mang ý nghĩa mặt trời khuất dạng, ánh sáng chìm hết vào trong bóng tối. Giữa thời cuộc khó khăn đó, chỉ có cách ẩn mình mới có thể bảo toàn bản thân. Nay không những ánh mặt trời đã mất, mà sấm chớp lại giáng xuống gây ra cảnh mù mịt. Nếu muốn giúp cho con trẻ, thật ra vẫn còn một cách, nhưng chỉ hiềm một nỗi..."

***

Ngày xuân rõ ràng là tươi đẹp như thế, vậy mà chẳng thể khiến cho gương mặt của cái người đang ngồi trong thuyền tươi tắn hơn. Bà thẫn thờ ngẫm lại những lời mà mình vừa nghe, trong lòng bây giờ ngổn ngang tơ rối, chẳng biết bản thân sắp tới phải nên xử sự như thế nào.

"Người ta nói nếu tin thì có, không tin thì không có! Thái hậu xin đừng lo lắng quá!" – cô Tịnh Văn nhẹ giọng khuyên nhủ, chỉ nghe Thái hậu thở dài: "Khi nãy cô là người gợi ý cho bổn cung đến đền Quán Thánh, sao bây giờ lại nói ra những lời này?"

Cô Tịnh Văn cắn môi đáp: "Là lỗi của nô tỳ! Có điều chuyện gì cũng có ngoại lệ, Thái Thái hoàng Thái phi tuổi đã cao, gặp phải sai sót trong lúc tính toán cũng rất có khả năng!"

"Chính vì người nói ra câu đó là Thái Thái hoàng Thái phi, cho nên bổn cung mới thực sự tin tưởng!" – Thái hậu lại thở dài một hơi trước khi tiếp tục: "Cô đi theo bổn cung nhiều năm, làm gì không biết bổn cung trước giờ vốn dĩ không tin vào chuyện quỷ thần. Khắp gầm trời này, chẳng biết có bao nhiêu kẻ tự xưng là thầy bói dùng tử vi toán số để lừa lọc người khác. Nhưng mà Thái Thái hoàng Thái phi thì là ngoại lệ! Sợ rằng dẫu có qua mấy trăm năm nữa, tìm khắp hậu thế cũng chẳng thể tìm được người có thể bì kịp với bà ấy!"

Huệ Túc đạo cô vẫn ngồi bên cửa sổ, chỉ âm thầm dõi mắt nhìn bộ dạng sầu não của Thái hậu dần khuất xa, chợt thấy Trác Uyên bước vào phòng khó xử nói: "Xin sư phụ tha tội, khi nãy đệ tử muốn bói một quẻ, ai ngờ lần gieo cuối cùng lại khiến cho ba đồng xu bị mắc kẹt trong mai rùa. Đệ tử đã cố gắng lấy nó ra nhiều lần, nhưng mãi mà không được..."

Huệ Túc đạo cô đưa tay cầm lấy chiếc mai rùa, sau cùng chậm rãi nói: "Xem ra nó đang chờ người có duyên đến!"

Thuyền của Thái hậu dần khuất xa bờ, hướng về phía bên kia Tây Hồ mà thẳng tiến. Một cơn gió thoảng qua khiến nhành liễu đung đưa, cũng thổi bay tấm rèm bên cửa sổ trong chiếc thuyền nơi Thái hậu đang ngồi, khiến gương mặt u buồn của bà lọt vào một cặp mắt đã mờ đục. Cặp mắt đó thuộc về một người phụ nữ cũng ở trong khoang thuyền, khác một chỗ thuyền của bà ta đi ngược hướng với Thái hậu.

"Đó chẳng phải là cái vị cao cao tại thượng ở trong cung sao?"

Nghe được người bên cạnh thốt ra câu đó, một cô gái liền chồm người đến trước để nhìn rõ hơn, đôi mắt của nàng đang bị một dải khăn lụa quấn lấy. Nhận ra được diện mạo của người trong thuyền, cô gái bịt mắt lúc này mới gật đầu đáp: "Đúng rồi cô Diệu Tâm! Người ở đó quả thật là Thái hậu!"

Cô Diệu Tâm nghe đến đây vậy mà bật cười: "Thái hậu thường ngày sống sung sướng trong cung, không ngờ cũng có lúc phiền não như thế!"

Nói xong câu này, thuyền của bà và cô gái kia cũng đã tắp vào bờ. Cô gái trẻ trông về phía Thái hậu quyến luyến hồi lâu, chỉ nghe cô Diệu Tâm thúc giục: "Mau lên bờ thôi!"

Hai người một già một trẻ bước qua đền Quán Thánh, định bụng sẽ đi tới khu chợ gần đó để mua một ít đồ, ai ngờ đã bị một vị đạo cô trẻ tuổi chắn ngang trước mặt, người ở đó không ai khác mà chính là Trác Uyên.

"Giữa lúc vắng vẻ thế này, gặp hai vị ở đây quả thực may mắn quá! Chiếc mai rùa này của bần đạo chẳng may bị mắc kẹt vài đồng xu bên trong, chỉ mong hai vị có thể lấy nó ra giúp cho bần đạo!"

Cô Diệu Tâm nghe đến đây thì cười lạnh đáp: "Ngươi định lừa chúng ta đó sao? Dụ bọn ta lấy mấy đồng xu trong đó ra, sau đó thì lấy tiền bói quẻ. Chiêu trò này của đám đạo sĩ các ngươi, ta đây không phải chưa gặp lần nào! Chúng ta đi!"

Nói xong câu này, cô Diệu Tâm liền thẳng thừng kéo tay cô gái bịt mắt ở bên cạnh rời đi. Chỉ nghe Trác Uyên nói vọng theo: "Bà không giúp thì thôi, cần gì phải buông ra những lời độc địa như thế? Ta quả thực chỉ muốn nhờ người giúp đỡ, không ngờ lại gặp một người thô lỗ như bà!"

Nghe xong câu này, cô gái bịt mắt liền nhẹ giọng nói: "Cô Diệu Tâm có hơi nặng lời rồi!"

Sau đó nàng liền quay trở về chỗ của Trác Uyên, thay mặt cô Diệu Tâm cúi đầu xin lỗi, chỉ thấy Trác Uyên đưa ngay chiếc mai rùa đến trước mặt mình: "Không sao! Cô có thể giúp ta thử một lần được không?"

Cô gái ở đó chậm rãi gật đầu rồi cầm lấy chiếc mai rùa, đúng lúc đó thì cô Diệu Tâm đã quay trở lại giành lấy nó trong tay nàng: "Đừng quá nhẹ dạ cả tin, trước giờ đám đạo sĩ này luôn giở những trò quỷ quái!"

"Đừng mà cô Diệu Tâm!" – cô gái nhẹ giọng giành lại chiếc mai rùa. Trong lúc hai người giằng co, chiếc mai rùa đã bị hất văng xuống đất, nhờ vậy mà khiến cho mấy đồng xu mắc kẹt bên trong bị bắn ra ngoài.

Trác Uyên có chút mừng rỡ, chỉ biết nhanh chân chạy đến đó kiểm tra kết quả. Nàng cẩn thận tính ra tên của quẻ bói, sau cùng chạy về phía chiếc cổng tam quan, nơi Huệ Túc đạo cô đang đứng chờ ở đó.

Điện Hàm Nguyên được xây dựng trên một hòn đảo nằm ở phía đông Tây Hồ, là nơi nghỉ chân của hoàng gia và phi tần khi xuất cung thưởng ngoạn. Lúc Thái hậu trở về điện Hàm Nguyên, vừa hay đã thấy Quốc Chẩn một mình dong thuyền lướt trên hồ, xem chừng là đi tìm những đoá sen nở sớm. Bên cạnh chàng ngay cả một nô tài thân cận cũng không có, khiến Thái hậu có chút lo lắng.

Giữa lúc bà đang định sai cô Tịnh Văn cho người đuổi theo, bất chợt Thái thượng hoàng đã từ trong toà thuỷ đình đi ra, chầm chậm bước lên thuyền đưa đến chỗ Thái hậu một bức thi hoạ.

"Thuỷ nguyệt liên hoa?" – Thái hậu chậm rãi nói, chỉ thấy Thượng hoàng lắc đầu đáp: "Thái hậu nói sai rồi! Bức này là Thuỷ nguyệt thuỵ liên!"

Thái hậu có hơi cúi thấp đầu, hoa ở trong tranh quả thực là súng chứ không phải sen, trong lòng bà có chút suy tư: "Thánh thượng vẫn còn nhớ đến loài hoa mà thần thiếp thích! Có điều hoa súng vốn chỉ nở vào ban ngày, sau đó khép lại vào ban đêm, cho nên mới có cái tên thuỵ liên. Vậy nên việc hoa súng có thể gặp được ánh trăng đêm đẹp như thế này, chỉ có thể xuất hiện ở trong tranh hoạ!"

Thượng hoàng trỏ tay vào bức tranh mà kỹ lưỡng giải thích: "Nàng xem, rìa lá của loài súng này không hề trơn nhẵn mà lại lượn sóng. Đây là hoa súng mọc ở phương nam, chỉ có thể nở được vào buổi tối, khi nắng lên sẽ bắt đầu khép lại, trái ngược với hoa súng chịu lạnh ở phương bắc chúng ta. Trẫm đã từng có dịp đi đến Chiêm Thành, cho nên có cơ hội thưởng thức vẻ đẹp của loài súng này. Nếu sau này có cơ hội, trẫm sẽ cùng nàng đến đó để nhìn ngắm bọn chúng!"

Thái hậu lộ ánh cười ở đuôi mắt, chỉ biết cầm lấy bức hoạ trong tay Thái thượng hoàng mà dịu dàng đáp: "Thần thiếp xin cảm ơn thánh thượng!"

Nói rồi bà quay đầu nhìn về phía chiếc thuyền của Quốc Chẩn dần khuất xa. Thượng hoàng trông thấy cảnh đó, cho nên liền nhẹ giọng nói: "Hôm nay là đêm rằm đầu năm, cảnh đẹp thế này thưởng thức một mình thì có hơi vô vị. Cho nên trẫm đã sai hạ nhân đi mời bốn vị học sĩ ở gác Thiên Chương, còn Quốc Chẩn thì đi mời Chiêu Văn Vương, tất cả sẽ đến đây cùng chúng ta thưởng nguyệt đề thơ! Quan trọng là mỗi người trong số bọn họ đều dắt theo con gái của mình!"

Thái hậu có hơi sửng sốt: "Thánh thượng muốn tìm vợ cho Quốc Chẩn trong đêm rằm tháng giêng này ư?"

"Chẳng phải đó là điều mà Thái hậu ấp ủ bấy lâu nay sao?"

"Quả thực là thần thiếp muốn Quốc Chẩn sớm thành gia lập thất, có điều..."

Thượng hoàng nghe đến đó thì nói chen ngang: "Trẫm đã sai người điều tra kỹ lưỡng rồi! Bên cạnh Thuỵ Anh Quận chúa, con gái của bốn vị học sĩ ở gác Thiên Chương đều là danh môn khuê tú. Quốc Chẩn có nhiều sự lựa chọn như vậy, hẳn là sẽ tìm ra được một người mà mình yêu thích. Dù sao thì tuổi của nó đã không còn nhỏ!"

Thái hậu định sẽ nói tiếp, nhưng chung quy chẳng dám cãi lại lời Thượng hoàng, chỉ đành cắn môi nhẹ giọng đáp: "Mọi việc chỉ đành tuân theo thánh thượng!"

Yến tiệc tối đêm đó diễn ra vô cùng tươi vui, tất cả cũng là nhờ Đàm Hoa đã cất công chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhật Suỷ biết Thượng hoàng sẽ nhân buổi hôm nay để kết duyên cho Quốc Chẩn, cho nên liền cùng chúng phi tần ngự thuyền ngắm trăng thả đèn trời, nhường lại chính điện cho Thượng hoàng cùng với Chiêu Văn Vương và bốn vị học sĩ ở gác Thiên Chương trò chuyện.

Bốn vị học sĩ ở đó bao gồm Vương Vụ Thành, Nguyễn Sĩ Cố, Lê Văn Hưu và Nguyễn Thánh Huấn. Ngoài Thuỵ Anh Quận Chúa là Niệm Nô ra, bốn người con gái đi cùng cha mình đều hiền thục, đoan trang, không hổ danh là khuê nữ của đại học sĩ. Nhưng mà nổi bật hơn cả chính là nàng Khả Hương, con gái của học sĩ Nguyễn Thánh Huấn. Chuyện này vừa hay lại khiến cho Niệm Nô vô cùng tức giận. Có điều nàng ta vốn dĩ không biết, trong số năm người con gái ở đây, chẳng có bất kỳ một ai có thể khiến cho trái tim của Quốc Chẩn dao động. Bởi vì chàng vốn dĩ đã đặt trọn tình cảm của mình cho người con gái khác...

Đột nhiên Thái thượng hoàng chợt nghĩ ra một chuyện gì đó, cho nên liền cao hứng cất giọng nói: "Trẫm nghe nói lúc Lê Văn Hưu còn nhỏ, bản thân đã nhờ vào một câu đối mà xin được một chiếc dùi sắt từ chỗ của thợ rèn. Nếu như trẫm nhớ không lầm, người thợ rèn đó ra một vế, "Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi sắt." Sau đó khanh đối, "Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi giành lấy khôi nguyên." Có phải không?"

Lê Văn Hưu liền khiêm tốn đáp: "Để Thánh thượng chê cười rồi!"

"Hôm nay là ngày vui, hay là hãy để khuê nữ của các khanh thi nhau tìm vế đối cho câu này vậy. Bắt đầu từ con gái của khanh đi!"

Con gái của Lê Văn Hưu nghe vậy liền xấu hổ đáp: "Dạ thưa Thánh thượng, tất cả tài học của cha chỉ có anh trai cả của dân nữ là có thể lãnh hội. Dân nữ chỉ biết bám theo mẹ học nữ công gia chánh, thi thoảng mới đọc vài quyển sách, nhưng bất quá cũng chỉ là Nữ tắc diễn âm. Vậy nên nhất thời dân nữ không thể nghĩ ra được câu đối gì, không những làm mất mặt cha mình mà còn làm mất hứng của Thánh thượng, kính mong người hãy rộng lượng bỏ qua!"

Phụ nữ thời xưa vốn không cần giỏi giang về tài học văn chương, chỉ cần có đủ tam tòng tứ đức là được. Thái hậu nhìn nét mặt thông tuệ của nàng ta, đoán ra được những lời vừa rồi chỉ là lời khiêm tốn. Chẳng qua nàng ta không muốn bộc lộ tài năng văn chương của mình, muốn trở thành một người con dâu biết an phận trong mắt Thái thượng hoàng, câu nói này vừa hay lại khiến cho ngài ấy vui lòng, đồng thời cũng khiến cho nét bút của cô gái ngồi ở bên cạnh dừng lại.

Người ở đó là con gái của Vương Vụ Thành, bản thân vốn dĩ đã nghĩ được một nửa câu đối, nhưng mà sau khi nghe được câu vừa rồi, nàng ta bỗng quyết định dừng bút mà cúi đầu nói: "Tài mọn của dân nữ cũng chẳng hơn gì Lê tiểu thư, kính mong đức Thánh thượng hãy tha tội!"

Con gái của Nguyễn Sĩ Cố cũng nối tiếp theo sau: "Bẩm Thánh thượng, dân nữ cũng giống như hai vị tiểu thư đây, không thể đối lại câu thơ xuất sắc của Lê học sĩ. Có điều dân nữ lại không dám để Thánh thượng cùng với Thái hậu điện hạ và mọi người ở đây mất hứng, cho nên chỉ đành dùng một khúc hát để góp vui nếu Thánh thượng cho phép!"

Giữa lúc người tài đang muốn giấu đi bản lĩnh, còn những kẻ thức thời thì cũng muốn xuôi theo chiều gió, đột nhiên có một giọng lảnh lót cất lên, kèm theo một tiếng cười khẩy: "Các người đều là con gái của đại học sĩ, vậy mà không thể tìm được một câu đối đàng hoàng ư?" – nói xong câu này, Niệm Nô liền quay đầu về phía Thái thượng hoàng: "Dạ thưa Thánh thượng, tuy rằng con không giỏi thơ từ, nhưng cũng không dám để buổi thưởng nguyệt đề thơ hôm nay tẻ nhạt như vậy, chỉ đành đem câu đối của mình góp vui cho mọi người!"

Chiêu Văn Vương vốn biết trình độ của con gái tới đâu, nghe đến đây liền kéo lấy tà áo của nàng mà thấp giọng: "Niệm Nô, không được làm bừa!"

Dựa trên vai vế, Chiêu Văn Vương là chú của Thái thượng hoàng, cho nên ngài đối với ông ta có chút nể nang: "Hoàng thúc đừng khiêm tốn, hãy để Quận chúa đọc câu đối của mình cho mọi người ở đây nghe thử!"

Niệm Nô không giấu được sự đắc ý hiện ra trên khoé môi: "Bình trên bàn, ly trên bàn, rượu trên bàn, uống vội vàng thì sẽ nhanh say!"

Nghe xong câu này, mấy cô con gái của ba vị học sĩ đều không thể nhịn cười. Người giấu được tâm tư hơn một chút thì cười mỉm, người không giấu được thì bật cười ra hơi. Thái hậu ở trên cao cũng cười thầm trong bụng, bởi lẽ ngoài mặt thì câu này có thể đem đối với câu thơ của Lê Văn Hưu, nhưng mà chuyện uống rượu vốn dĩ không hay ho gì, nhất là lại được phát ra từ miệng một người con gái. Nhưng mà Thái thượng hoàng không nỡ để nàng ta bẽ mặt, cho nên đành gượng cười tán dương vài câu.

Chiêu Văn Vương được một phen xấu hổ vì con gái, chỉ biết đỏ mặt nâng chén rượu mời các vị học sĩ. Uống cạn ly rượu, Chiêu Văn Vương bỗng dưng nghe vài vị học sĩ bật cười. Lúc này ông đang cầm ly rượu trong tay, bất chợt nhớ đến câu vừa rồi của con gái, chuyện này cộng với hành động vừa rồi của ông, khiến cho hai cha con chẳng khác nào kẻ xướng người hoạ. Chiêu Văn Vương vì thế mà càng thêm xấu hổ, Thái thượng hoàng muốn chữa ngượng thay cho ông ta, cho nên liền hướng về người con gái nãy giờ vẫn luôn giữ lễ ở đó: "Chẳng hay khuê nữ của Nguyễn học sĩ có tìm được câu đối nào khác hay không?"

Vốn dĩ Khả Hương cũng thấy cảm thông cho hai cha con của Niệm Nô, nhìn thấy cái gật đầu của cha mình, nàng liền cúi đầu đáp: "Dạ có thưa Thánh thượng, một chút tài mọn của dân nữ, mong rằng sẽ không làm mất hứng của mọi người! Trăng trên trời, sao trên trời, đèn trên trời, sáng ngời ngợi chiếu rọi nhân gian!"

Lúc này Nhật Suỷ đang cùng chúng phi tần thắp đèn thiên đăng ở trên thuyền, cộng với vầng nguyệt quang và hàng vạn tinh tú trên cao, tất cả tạo thành một khung cảnh hiếm thấy. Khả Hương đem cảnh đẹp ở đó tạo thành một câu thơ đối đáp hoàn chỉnh, nét mặt chẳng hề tự cao hay che giấu tài nghệ quá mức, không khỏi khiến cho Thái hậu cảm thấy vừa lòng: "Tịnh Văn, Thái Thái hoàng Thái phi nói rằng cách duy nhất có thể giúp Quốc Chẩn thoát khỏi kiếp nạn này chính là rời xa nữ giới, cả đời nương nhờ cửa Phật. Khi nãy cô nói nếu tin là sẽ có, không tin thì không có, chuyện này có phải thật không?"

***

Chùa Tư Phúc lúc này yên tĩnh lạ thường, xung quanh chỉ toàn có tiếng dế kêu. Ở hậu viện của chùa có một gian nhà tranh nằm đơn độc giữa rừng trúc, tuy tách biệt với chùa, nhưng mà vẫn giữ được nét thanh tịnh. Cô Diệu Tâm tiến đến phía chiếc bàn bên cạnh cửa sổ, nhịn không nổi mà nhẹ giọng hỏi: "Vẫn còn nghĩ đến chuyện ở đền Quán Thánh ư?"

Cô gái bịt mắt lúc ban sáng chậm rãi gật đầu. Nàng ngước mắt nhìn vầng nguyệt trên cao, bản thân dần dần nhớ lại khung cảnh sáng nay. Khi ấy Trác Uyên quay trở lại cổng tam quan, đem quẻ bói mà mình tính được nói cho sư phụ biết.

Huệ Túc đạo cô nghe đến đây thì liền hướng mặt về phía cô gái rồi cất tiếng: "Đây là quẻ ba mươi bảy ở trong kinh dịch, bản chất là ngọn gió phát ra từ lửa. Cô đây tuổi độ hai mươi, nếu quả thực mang mệnh hoả trong người, xem bộ là sinh vào năm Ất Hợi?"

Cô gái bịt mắt không giấu được nỗi kinh ngạc: "Đạo cô liệu sự như thần, bần ni quả thực là sinh vào năm Ất Hợi!"

"Bần ni?" - Huệ Túc đạo cô đảo mắt nhìn cô gái trước mặt một lượt, sau cùng mỉm cười ôn hoà nói: "Mạn phép được hỏi, ni cô sinh vào tháng mấy?"

"Dạ thưa đạo cô, là tháng bảy!"

Ánh mắt của Huệ Túc đạo cô tràn ngập nỗi nghi hoặc: "Ni cô sinh vào tháng bảy năm Ất Hợi, mang dáng cổ cao như chim hạc nhưng không gầy mà lại đầy đặn, còn có nốt ruồi ở lòng bàn tay, rõ ràng mang trong mình mệnh phượng hoàng!"

Sắc mặt của vị ni cô bịt mắt dường như bị đông cứng lại, khó khăn lắm mới có thể phát ra vài câu ngượng ngập: "Đạo cô nói đùa rồi! Bần ni hiện giờ đã là người tu hành, làm sao mang trong người mệnh phượng hoàng được chứ?"

Cô Diệu Tâm nghe đến đây thì càng lúc càng nghi ngờ, chỉ hằn hộc nói: "Đa La Thanh, chúng ta đi!"

Huệ Túc đạo cô nghe được câu này thì tò mò hỏi: "Đa La Thanh? Lẽ nào ni cô là người ngoại tộc?"

Đa La Thanh lắc đầu, chỉ chậm rãi nói: "Bần ni là người Đại Việt, pháp danh này là do cha nuôi của bần ni đặt. Ngài ấy là sư tăng đến từ Tây Tạng!"

"Thảo nào là vậy! Đa La Thanh vốn dĩ là tên mà các thiếu nữ Tây Tạng hay dùng, cốt để tỏ lòng thành kính đối với Lục Độ Phật Mẫu, một vị bồ tát đáng kính của người Tây Tạng. Biểu tượng của Lục Độ Phật Mẫu là hoa sen xanh, màu xanh cũng ứng với hành mộc sinh ra hoả, trùng với bản mệnh của ni cô. Tất cả đều là duyên số cả! Có điều hoa sen xanh lại chỉ nở vào ban đêm, không có mặt trời sưởi ấm, chuyện này..." - Huệ Túc đạo cô nói đến đây thì bấm vài đốt ngón tay để nhẩm tính, sau cùng bà đăm chiêu nói: "Ni cô đã bốc được quẻ này, có bản chất là ngọn gió phát ra từ lửa, giống với chiếc lò lửa đặt ở căn bếp, tượng trưng cho một gia đình sum họp, ấm no, hạnh phúc. Hơn nữa ni cô còn mang trong mình mệnh phượng hoàng. Một ngày nào đó khi gió đông thổi lên, ngọn lửa trong bản mệnh của ni cô chắc chắn sẽ bùng cháy rực rỡ, đưa ni cô đoàn tụ với những người thân yêu của mình!"

Huệ Túc đạo cô nói xong câu này thì rời đi, không quên để lại một câu sau cùng: "Phụng hoàng triều nhật, dục hoả trùng sinh! Đợi đến lúc tắm lửa hồi quang, chim phụng sẽ đập cánh bay về nơi có vầng dương soi sáng!"

Chương trước --- Danh sách chương --- Chương sau

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Danh sách chương