Chuyển đến nội dung chính

Chương 045. Tướng là chim ưng

 C45. Tướng là chim ưng

Quốc Phụ thở dài: “Điện hạ có điều chưa biết. Trước khi lệnh này được đưa ra, Nhân Huệ Vương đã sai người nhà mua hết nón Ma Lôi từ trước, sau đó bán lại cho dân với giá cắt cổ. Ban đầu thì giá không tới một tiễn, sau đó bán lại với giá tương đương một tấm vải. Số vải thu được phải tới hàng ngàn tấm. Điện hạ nghe qua chuyện này, có phải sẽ liên tưởng đến chuyện Thạch Sùng trữ gạo hay không?”

 

Nguyên Ninh đưa khăn lên mũi che miệng cười, chỉ nhẹ giọng nói: “Nói nhỏ thôi, kẻo hắn ta nghe được thì nguy!”

 

Quốc Phụ nghe đến đây cũng đưa tay ôm miệng nói: “Nô tài cũng đã quá khinh suất rồi! Tính ra Nhân Huệ Vương này rất ngang tàn, ngay cả thiên tử mà ông ta cũng không nể nang gì!”

 

Nguyên Ninh gật đầu nói: “Trước đây hắn ta vốn phạm trọng án, đáng lý phải bị loạn trượng đánh chết. Nhưng vì tiếc thương cho tài cầm binh của hắn, tiên hoàng Thánh Tông đã sai lính giơ cao đánh khẽ, cố tình chúc đầu trượng xuống đất. Vậy nên hắn đã lãnh đủ một trăm trượng mà không bỏ mạng, theo lệ sẽ được miễn tội chết, chỉ bị truất hết quân quyền biếm về Chí Linh làm nghề bán than. Sau này khi đất nước rơi vào cảnh loạn lạc, hắn đã được Thái thượng hoàng của chúng ta phục chức để đối phó với giặc ngoại xâm. Từng được tha mạng dù phạm phải tội chết, cho dù công trạng có to lớn đến mấy, hắn cũng phải cung kính trước Quan gia mới phải!”

 

Quốc Phụ thở dài: “Nãy giờ nô tài đứng ở bên ngoài, nhưng mà nghe được không ít những lời hống hách của ông ta. Vẫn là Quan gia tôn trọng lão tướng, bằng không xem chừng Nhân Huệ Vương đã bị phạt từ lâu!”

 

Nguyên Ninh vừa nghe đến đó thì bên trong đã phát ra âm thanh oai dũng của Trần Khánh Dư: “Thưa bệ hạ, tướng là chim ưng, dân lính là vịt. Dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”

 

Câu này rõ ràng là có chút ngang tàn. Nguyên Ninh không nghe được Nhật Suỷ nói gì, chỉ đoán rằng chắc chắn Nhân Huệ Vương đã bị khiển trách. Chẳng lâu sau đó, Nhật Suỷ đã đuổi hắn ta ra ngoài. Nhân Huệ Vương vốn là dũng tướng, cho nên thân người của hắn vô cùng cao lớn, vạm vỡ. Lúc này hắn ta lại bực dọc bước vội, cho nên đã va vào Quốc Phụ, khiến tách trà trên tay của hắn rơi xuống sàn vỡ nát. 

 

Nhân Huệ Vương vậy mà chẳng biết cư xử, tuy rằng có lỗi nhưng vẫn thô lỗ túm lấy cổ áo của Quốc Phụ. Nguyên Ninh nhìn thấy cảnh này thì bước tới một bước buông lời khuyên ngăn: “Chỗ này là ngự tiền, bất cứ ai cũng không thể hành xử lỗ mãng. Mong Nhân Huệ Vương hãy bỏ qua cho hắn!”

 

Nhân Huệ Vương đẩy Quốc Phụ sang một bên, cao giọng quát lớn: “Quả đúng là đàn bà, suốt ngày lo lắng cho đám tiểu nhân này! Hèn gì cổ nhân có câu, đàn bà cùng với tiểu nhân là chung một giuộc!”

 

Câu này nói lớn như vậy, hình như không phải chỉ để quát vào mặt Nguyên Ninh, mà còn muốn cho Nhật Suỷ nghe được. Nhìn thấy thái độ hống hách của hắn, Nguyên Ninh cuối cùng cũng không nhịn nổi: “Ngài nói như thế chẳng phải là đang quơ đũa cả nắm hay sao? Từ cổ chí kim, đã có biết bao nữ trung hào kiệt trên đất Đại Việt ta. Nhân Huệ Vương lừng lẫy ở trên chiến trường, lẽ nào chưa bao giờ nghe qua danh tiếng của hai vị Trưng Nữ Vương?”

 

Nhân Huệ Vương liếc nửa mắt về phía Nguyên Ninh, nhìn thấy nàng ăn mặc giản dị, liền cười hắt một hơi khinh miệt nói: “Ngươi chỉ là một phi tần nhỏ nhoi, vậy mà cũng xứng đứng trước mặt bổn vương nói chuyện đúng sai?”

 

“Đáng lẽ ta sẽ không can dự vào chuyện của ngài. Có điều những lời mà ngài vừa nói lại sai rõ rành rành, khiến cho một phi tần thấp kém như ta cũng không nhịn được!”

 

Nhân Huệ Vương cười khẩy: “Vậy thì ngươi phải chứng minh bổn vương sai ở đâu. Nếu như ngươi chứng minh không được, vậy thì phải quỳ xuống dập đầu tạ tội trước mặt bổn vương, đừng học thói đàn bà ở trong cung cấm!”

 

Tố Liên nghe đến đây thì bước tới một bước bất mãn nói: “Ông...”

 

Nguyên Ninh đưa tay cản nàng lại, chỉ dứt khoát hỏi: “Tố Liên, khi nãy Nhân Huệ Vương nói tướng là chim ưng, em thấy câu này đúng hay sai?”

 

“Tất nhiên là sai rồi ạ! Không những chỉ sai thôi đâu mà còn rất rất sai!”

 

“Ngươi!” - Nhân Huệ Vương trỏ tay vào mặt Tố Liên, chỉ nghe Nguyên Ninh mỉm cười nói: “Em nói rất đúng! Chim ưng là loài ăn thịt, vì mải mê tìm mồi nên chỉ bay dưới thấp. Một loài hữu dũng vô mưu, không những thế lại còn tham quyền hám lợi, sao có thể so sánh với bậc dũng tướng được? Nếu phải tìm một loài xứng với ý chí lớn lao của người quân tử, thì phải là chim hồng hộc đập cánh trên cao. Nhưng cho dù chim hồng hộc bay cao như vậy, cũng vẫn chưa bao giờ hống hách, ngang tàn. Hưng Đạo Đại vương đã từng nói, chim hồng hộc muốn bay cao thì phải nhờ sáu trụ xương cánh, nếu không có sáu trụ xương cánh này, thì cũng chỉ là chim thường mà thôi. Bậc dũng tướng nếu khinh thường những người dưới trướng, đợi đến khi không còn có ai bên cạnh, tiền đồ trước mắt chắc chắn sẽ tối như than, đen như nón Ma Lôi vậy!”

 

Nhân Huệ Vương nghe đến đây thì nheo mắt tức giận: “Ngươi! Rốt cuộc thì ngươi là ai? Sao lại biết nhiều chuyện như thế?”

 

Nguyên Ninh mỉm cười: “Giống như Nhân Huệ Vương đã nói, bản thân ta chỉ là một phi tần nhỏ nhoi, bởi vì chăm đọc sách, cho nên mới biết được nhiều chuyện như thế. Nghe nói ở làng Nghi Dương có một cây gạo rất to, là do một vị ni cô pháp danh Thiền Đức chính tay trồng, với ước nguyện nhân dân ấm no, thóc gạo đầy bồ. Bây giờ chuyện tốt của Nhân Huệ Vương đã truyền đến kinh sư, nếu như ngài thấy sai không sửa, biết đâu chừng chuyện này sẽ truyền đi xa hơn nữa. Chẳng may trên dưới làng Nghi Dương đều biết, mọi chuyện lọt đến tai Thiền Đức đại ni, chắc hẳn Nhân Huệ Vương cũng không cảm thấy vui vẻ!”

 

Nhân Huệ Vương nghe đến đây thì đuôi mày chợt giãn ra. Hắn ta suy tư hồi lâu, không ngờ thái độ lại thay đổi hoàn toàn: “Xem bộ bổn vương buộc phải quay vào trong tạ tội!”

 

Đợi đến khi Nhân Huệ Vương rời đi, Tố Liên liền tò mò hỏi: “Rốt cuộc thì Thiền Đức đại ni là ai, tại sao khi nghe qua cái tên này, ông ấy lại thay đổi nhanh đến như thế?”

 

Nguyên Ninh cười mông lung: “Bản thân ta cũng giống như em, không ngờ mọi chuyện lại diễn biến như vậy. Thông qua chuyện này, có thể thấy trước giờ Thiền Đức đại ni luôn chiếm một vị trí quan trọng trong lòng ông ấy. Thiền Đức đại ni không ai khác mà chính là hoàng cô của Quan gia, Thiên Thuỵ thái công chúa!”

 

Nguyên Ninh nói đến đó, chỉ thấy Quốc Phụ tiến đến bên cạnh mình lễ phép nói: “Cảm ơn Đức phi điện hạ đã ra mặt thay cho nô tài!”

 

Nguyên Ninh chỉ đứng đó mỉm cười, bất chợt nàng trông thấy có mấy con bướm vờn hoa, cho nên liền nhẹ giọng nói với Quốc Phụ: “Hiện giờ Quan gia đang bận trò chuyện cùng Nhân Huệ Vương, bổn cung muốn đi dạo một lát trong cung Quan Triều. Lát nữa khi Nhân Huệ Vương đã rời đi, ngươi hãy báo lại cho bổn cung biết nhé!”

 

Đợi Quốc Phụ ngoan ngoãn “dạ” một tiếng, Nguyên Ninh liền cùng Tố Liên đi dọc bức tường bao, hướng đến chỗ mà bản thân đã gặp mặt Nhật Suỷ lần đầu. Ngọc bội uyên ương đang đung đưa bên áo của nàng, chiếc trâm bạc điểm xuyết tử ngọc lấp lánh trong trời đông, cái lỗ hổng ở dưới chân tường vẫn còn nguyên ở đó.

 

Nguyên Ninh có chút hoài niệm mà cúi người đưa mắt nhìn qua, bất chợt nhận thấy phía bên kia có một bóng người ăn mặc sang trọng. Nhìn thấy cảnh này, Nguyên Ninh liền giật mình đứng thẳng dậy, bên tai là tiếng chó sủa cộng với một thanh âm quen thuộc: “Anh còn đứng ở đó làm gì? Mau đem Bảo Bối qua đây cho em!”

 

Giọng nói này là của Huyền Trân trưởng công chúa Nhã Lam, người nam nhân đứng bên kia bờ tường đương nhiên chính là Quốc Chẩn. Xem bộ hai anh em bọn họ đang đi dạo trong vườn ngự uyển. Nguyên Ninh cắn nhẹ bờ môi mà nắm chặt chiếc khăn trong tay, chỉ nghe Tố Liên nhẹ giọng hỏi: “Điện hạ không sao chứ?”

 

“Không, ta không sao… chúng ta quay trở về đại điện!” 

 

Nguyên Ninh rời đi, không nhịn nổi mà quay đầu nhìn lại lỗ hổng ở chân tường bên kia. Ngày đó Nhật Suỷ nói bản thân đã đến cung Lâm Xuân cho nên mới lỡ hẹn với Nguyên Ninh, người trò chuyện cùng với nàng hôm ấy là nô tài của Thượng Trân trưởng công chúa. Bây giờ ngẫm lại, người duy nhất có giọng nói giống với Quan gia chỉ có mình Quốc Chẩn. Xem bộ ngày đó người trò chuyện với nàng chính là chàng ấy.

 

Đợi đến lúc Nguyên Ninh trở về đại điện, Trần Khánh Dư đã rời đi từ lâu, chỉ có một mình Nhật Suỷ ngồi bên trong phê duyệt tấu chương. Trông thấy nàng bước vào hành lễ, Nhật Suỷ có chút vui vẻ: “Đứng lên đi! Khi nãy trong lúc dâng trà, Quốc Phụ đã kể lại cho trẫm nghe rồi. Rốt cuộc nàng đã dùng cách gì, khiến cho một dũng tướng kiêu ngạo như Nhân Huệ Vương trở thành một thần tử hiểu chuyện đến thế?”

 

Nguyên Ninh tiến đến cạnh Nhật Suỷ mỉm cười nói: “Nhân Huệ Vương tự hạ thấp mình bằng chim ưng, thần thiếp dùng câu nói của ông nội mình, ví Nhân Huệ Vương như chim hồng hộc. Ngài ấy là một tướng tài, trước giờ lại kính trọng ông nội thần thiếp, cho nên đã sớm phân biệt đúng sai, biết quay đầu tạ tội trước mặt bệ hạ!”

 

Nhật Suỷ gật gù mỉm cười rồi nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Nguyên Ninh, trông thấy cuộn giấy nằm trong tay nàng, chàng tò mò khẽ hỏi: “Đây là gì?”

 

Nguyên Ninh ngượng ngập đáp: “Thần thiếp biết bệ hạ yêu thích hội hoạ, cho nên cũng mạo muội học qua một chút. Đây là bức tranh đầu tay của thần thiếp, bệ hạ hãy nhìn qua đi!”

 

Nhật Suỷ chậm rãi mở cuộn tranh ra, chỉ thấy ở đó là một bức tranh thuỷ mặc. Bởi vì đây là bức tranh đầu tay của Nguyên Ninh, cho nên nét vẽ của nàng vẫn còn yếu, nhưng mà vẫn thể hiện được một tổng thể hài hoà. Tranh vẽ một con nhạn đang đậu giữa trời đông, ở trên cao có ánh trăng đêm huyền ảo. Nhật Suỷ dành vài lời khen cho nàng, đích thân cầm tay Nguyên Ninh sửa lại một vài nét cho đẹp, chỉ nghe Nguyên Ninh nhẹ giọng nói: “Hay là bệ hạ hãy đề thơ lên bức hoạ của thần thiếp đi!”

 

Nhật Suỷ mỉm cười: “Nàng muốn trẫm đề bài thơ nào?”

 

Nguyên Ninh suy tư đôi lát rồi khẽ ngâm:

 

“Khoá huyết thư thành dục ký âm,
Cô phi hàn nhạn tái vân thâm.
Kỷ gia sầu đối kim tiêu nguyệt,
Lưỡng xứ mang nhiên nhất chủng tâm.”

 

Đây là bài Ai phù lỗ - Thương tên giặc bị bắt - của Huyền Quang thiền sư, có nghĩa là:

 

Chích máu đề thư muốn gửi lời,
Nhạn bay lẻ bóng chốn biên khơi.
Bao nhà sầu não nhìn trăng lạnh,
Một giọt lệ rơi, hai phương trời.”

 

Nhật Suỷ nhận ra Nguyên Ninh còn có ý gì khác thông qua bài thơ này, cho nên liền nhẹ giọng hỏi: “Nàng muốn nói gì ư?”

 

“Nhờ sự anh minh của bệ hạ mà án oan của cha thần thiếp mới được rửa sạch. Nay thấy trong cung vẫn còn một người có cha bị vu oan, chỉ mong bệ hạ hãy xót thương điều tra lại vụ án này, để cánh chim lẻ bóng chốn biên thuỳ được đoàn tụ với người thân, hai phương trời cách biệt cũng không còn ướt chung giọt lệ sầu!”

 

“Ý của nàng đó chính là vụ án của thổ quan Hoàng Nghệ - cha của Hoàng Phu nhân?” – Nhật Suỷ nói đến đây thì lặng lẽ thở dài: “Mấy năm qua trẫm cũng tin rằng cha của nàng ấy đã bị oan. Tiếc rằng khác với vụ án của Hưng Nhượng Vương, mọi manh mối trong vụ án này đều kết tội Hoàng Nghệ, dù cho trẫm muốn giúp ông ta cũng không có một manh mối nào!”

 

Nguyên Ninh liền nhẹ giọng đáp: “Theo như lời của Hoàng Phu nhân nói, cha của nàng ta vốn dĩ bị chính người trong tộc là Hoàng Hộc vu oan. Chẳng hay bệ hạ có biết qua chuyện này?”

 

Nhật Suỷ gật đầu: “Đương nhiên là trẫm biết! Không những thế còn đích thân dụng hình tra khảo tên Hoàng Hộc này và dùng gia quyến ép hắn ta nói ra sự thật. Tiếc là từ đầu đến cuối, Hoàng Hộc vẫn giữ nguyên lời khai của mình, nằng nặc tố cáo rằng Hoàng Nghệ vì bất mãn với chuyện không được luận công ban thưởng mà mang lòng tạo phản!”

 

Nguyên Ninh suy nghĩ đôi lát rồi chậm rãi nói: “Đối với sự anh minh của bệ hạ, vốn dĩ thần thiếp không nghi ngờ gì. Chỉ là không biết bệ hạ có thể nói rõ hơn cho thần thiếp về vụ án ngựa trắng này không, biết đâu thần thiếp sẽ có thể nhìn chuyện này ở một góc nhìn khác!”

 

Nhật Suỷ liền đáp: “Lần đó sau chiến thắng của chúng ta ở trận Bạch Đằng, quân giặc đã phải cuống cuồng tháo chạy. Nhưng vì nguyên do chính trị, triều đình đã sớm ban chiếu cho các tướng lĩnh khắp nơi cho phép quân Nguyên về nước. Nhưng vì không thể dung thứ cho tội ác mà lũ giặc gây ra, một số tướng lĩnh vẫn đuổi đánh bọn chúng, chú của nàng Hưng Trí Vương và Hoàng Nghệ là một trong những người đó. Sau đó triều đình luận công định tội, dù lập được công lao nhưng vì không tuân theo chiếu lệnh, Hoàng Nghệ đã không được ban thưởng. Sau đó không lâu, Hoàng Hộc đã âm thầm tố cáo Hoàng Nghệ vì chuyện này mà mang lòng uất hận, dùng câu nói nổi tiếng của Phạm Lãi để chiêu mộ binh lính, quyết tâm tạo phản ở châu Tư Lang!”

 

Nguyên Ninh tò mò hỏi: “Câu nói nổi tiếng của Phạm Lãi sao? Đây có phải là câu mà ngài ấy đã nói về Việt Vương Câu Tiễn không thưa bệ hạ?”

 

Nhật Suỷ gật đầu: “Chim chết rồi cung tên xếp xó, thỏ chết rồi chó bị phanh thây. Ý của câu này ám chỉ việc tướng tài kiểu gì cũng sẽ bị gán tội sau khi bản thân không còn giá trị lợi dụng. Đây rõ ràng là một câu bất kính với triều đình!”

 

Nguyên Ninh chau mày suy tư, sau đó giống như tìm ra được ánh đom đóm trong đêm tối, nàng nhanh miệng lên tiếng: “Không đúng! Hoàng đại nhân vốn là thổ quan của châu Tư Lang, sao có thể nói ra câu này được cơ chứ?”

 

“Ý của nàng là…”

 

“Vốn dĩ châu Tư Lang có cái tên này bởi vì nơi đây có rất nhiều chó sói. Chó sói ở đây vô cùng khôn ngoan và ranh mãnh, có khi còn xảo trá hơn cả con người. Phàm đã sống ở châu Tư Lang, nhà nào cũng phải nuôi ít nhất một con chó để đuổi sói. Hơn nữa, họ không hề xem chó là loài vật mà coi nó như linh thú bảo vệ mình, lập cả đền miếu thờ phụng chó đá, gọi là Hoàng Thạch Thần Cẩu. Vậy nên việc Hoàng đại nhân dùng câu nói xúc phạm loài chó để chiêu dụ binh lính, quả thật là chuyện đáng ngờ!”

 

Nhật Suỷ gật gù: “Nàng nói rất đúng! Thế mà trẫm lại bỏ qua chuyện này!”

 

Nhật Suỷ nói đến đây, bất giác nghe được có một vật gì đó vừa rơi xuống nền nhà. Nguyên Ninh quay đầu nhìn lại, chỉ thấy Thiên Kiện đang đứng ở đó sắc mặt tái xanh, hai tay của hắn run rẩy cầm một đĩa trái cây. Âm thanh vừa rồi là do một quả quýt trên đĩa rơi xuống.

 

“Nô tài bất cẩn gây ra tội, kính mong bệ hạ hãy bỏ qua chuyện này!”

 

Nhật Suỷ xua xua tay, Thiên Kiện thấy thế mới thở phào nhẹ nhõm rồi run run bước đến đặt đĩa trái cây bên cạnh chàng. Giữa lúc Nguyên Ninh đang định nói tiếp, chỉ thấy Thiên Kiện cướp lời mình: “Dạ thưa bệ hạ, quýt này là đặc sản của trấn Thái Nguyên, bất luận là vỏ hay ruột đều vàng ươm như mật, ngọt mà không gắt. Nô tài đã bóc vỏ vài quả ở đây, xin bệ hạ hãy dùng qua thử!”

 

Nguyên Ninh đưa mắt nhìn đĩa quýt đó, chỉ thấy có vỏn vẹn hai quả được lột vỏ, lại vẫn chưa được tách múi, vốn dĩ là không nên dâng lên trước mặt Quan gia. Chỉ thấy Nhật Suỷ phất tay nói: “Ở đây không có chuyện của ngươi, mau lui ra trước đi!”

 

Thiên Kiện không ngoan ngoãn như thường ngày, chỉ cúi đầu đáp: “Dạ vâng! Thật ra khi nãy nô tài đã lớn mật suy nghĩ thay cho bệ hạ, đem đĩa quýt thượng hạng giống như thế này đến cung Thánh Từ. Nô tài cẩn thận quan sát, nhận thấy sắc mặt của Thái thượng hoàng có vẻ tốt hơn, xem bộ người đã nguôi giận vì chuyện tối qua!”

 

Nhật Suỷ nghe đến đây thì đuôi mày chợt giãn ra, cứ như thế mà gật gù nói: “Ngươi làm rất tốt! Nếu quýt này ngon như thế, ngươi hãy lui xuống trước để bóc hết vỏ, đợi đến đó thì hãy dâng lên!”

 

Thiên Kiện “dạ” một tiếng rồi cẩn thận lui ra ngoài. Lúc này Nhật Suỷ mới vỗ nhẹ lên mu bàn tay của Nguyên Ninh: “Chuyện này trẫm đã biết rồi, nhất định sẽ đích thân tra rõ. Nàng hãy quay trở về cung Hội Xuân trước đi!”

 

Nguyên Ninh nhận thấy thái độ của Nhật Suỷ đối với chuyện này dường như đã thay đổi, nhưng mà bản thân không tiện nói thêm, chỉ đành ngoan ngoãn quay trở về. Lúc chủ tớ hai nàng bước ra ngoài đại điện thì lại đụng mặt Thiên Kiện. Trông thấy nàng, hắn liền bước tới nói: “Nô tài biết bản thân thấp kém, nhưng vẫn có vài lời muốn khuyên Đức phi điện hạ. Từ trước đến giờ, Thái thượng hoàng không thích người ở hậu cung bàn chuyện chính sự ở tiền triều. Hiện giờ điện hạ vừa mới được phong Phi, cha của điện hạ là Hưng Nhượng Vương cũng mới được rửa oan, điện hạ không nên vì những người không đáng, những chuyện không đáng mà hao phí tâm tư, tránh gây hại đến bản thân mình, gây hại đến Quan gia!”

 

Nguyên Ninh đưa mắt nhìn đĩa quýt xếp hình cá chép bơi trong chậu, bất giác dần ngộ ra ý của hắn, liền gượng cười đáp: “Bổn cung đã hiểu!”

 

Thiên Kiện nghe xong câu đó thì cúi đầu đem đĩa quýt đã được lột vỏ vào trong. Nguyên Ninh đứng lặng thần dõi theo bóng lưng của hắn, Quốc Phụ đứng một bên thấy thế thì chầm chậm tiến đến: “Đức phi điện hạ không sao chứ?”

 

Nguyên Ninh chậm rãi lắc đầu, bất chợt nàng nhận thấy móng tay của Quốc Phụ dính đầy vỏ quýt. Quốc Phụ thấy Nguyên Ninh nhìn về phía đó thì ngượng ngập nói: “Nô tài vô ý, suýt nữa thì đã làm bẩn tay áo của điện hạ rồi!”

 

Nguyên Ninh nhớ lại bàn tay của Thiên Kiện, chỉ thấy móng tay của hắn rất sạch, cho nên liền gấp gáp hỏi: “Đĩa quýt đó là do một tay ngươi lột vỏ đúng chứ?”

 

Quốc Phụ gật đầu: “Dạ đúng! Ban đầu đĩa quýt đó là do nô tài lột vỏ, Thiên Kiện chỉ đứng bên ngoài chăm chú lắng nghe cuộc trò chuyện giữa điện hạ và Quan gia. Đợi đến lúc quan trọng, Thiên Kiện đã cướp lấy đĩa quýt trong tay nô tài để đem vào bên trong. Như điện hạ đã thấy, đĩa quýt đó chỉ có hai quả được lột vỏ, vốn dĩ không thể dâng lên trước mặt bệ hạ!”

 

Nguyên Ninh mơ hồ nhận ra chuyện gì: “Xem bộ Thiên Kiện rất quan tâm đến vụ án của Hoàng đại nhân. Quốc Phụ, chỗ này không tiện nói chuyện, lúc rảnh rỗi ngươi hãy tìm cơ hội đến cung Hội Xuân!”

 

Chiều hôm đó thông qua Quốc Phụ, Nguyên Ninh đã biết đến chuyện đêm qua ở cung Thánh Từ. Thì ra Nhật Suỷ đã bị Thượng hoàng chất vấn về việc minh oan cho Hưng Nhượng Vương. Bởi vì theo như ngài thấy, Nhật Suỷ có hơi vội vàng trong chuyện này, cùng với việc tấn phong Phi vị cho Nguyên Ninh. Thượng hoàng thắc mắc rằng, liệu Nhật Suỷ có bị những lời đường mật bên gối của Nguyên Ninh mà đưa ra những quyết định sai lầm hay không. Nhưng mà suốt buổi trò chuyện, Nhật Suỷ đều một mực bảo vệ Nguyên Ninh và đưa ra những lập luận chứng minh quyết định lần này của mình là đúng đắn.

 

Nguyên Ninh nghe Quốc Phụ nói đến đây thì trong lòng vừa mừng vừa lo. Nàng vui vì Nhật Suỷ luôn đứng ở phía trước bảo vệ nàng khỏi mọi sóng gió, nhưng bản thân cũng không khỏi lo lắng vì đã bị Thái thượng hoàng nghi ngại. Hèn gì khi nãy sau khi Thiên Kiện nhắc đến Thái thượng hoàng, Nhật Suỷ đã khéo léo khuyên Nguyên Ninh trở về cung Hội Xuân, thay vì tiếp tục cùng nàng điều tra vụ án ngựa trắng.

 

Giữa lúc đang suy tư về chuyện này, Nguyên Ninh lại nghe thêm một chuyện quan trọng khác từ chỗ của Quốc Phụ. Thì ra trước khi trở thành Chánh chưởng nội thị, Thiên Kiện chỉ là một tên công công thấp kém hầu hạ ở cung Thánh Từ. Bởi vì người đảm đương chức Chánh chưởng nội thị lúc đó bất cẩn trong việc bảo quản trà, khiến Thục phi uống phải trà hỏng mà đau bụng, cho nên đã bị trách phạt và đuổi ra khỏi cung. 

 

Lúc đó Quốc Phụ đã là Phó chưởng nội thị, đáng lý phải là người thay thế chức vị Chánh chưởng nội thị này, nhưng chẳng hiểu tại sao vị trí đó lại được đảm nhận bởi Thiên Kiện. Thời điểm này lại trùng hợp với thời điểm Hoàng đại nhân bị vu oan, cộng với việc Thiên Kiện cố gắng ngăn cản cả Nhật Suỷ lẫn Nguyên Ninh điều tra chuyện này, rõ ràng là quá đỗi đáng ngờ.

 

Nguyên Ninh nghe xong câu này thì gật đầu nói: “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, Thiên Kiện ngăn cản bổn cung tham gia điều tra vụ án này, không có nghĩa là người khác không thể! Thông tin mà ngươi cung cấp cho bổn cung rất hữu dụng, giờ thì ngươi hãy trở về hầu hạ Quan gia chu toàn. Đợi đến khi Thiên Kiện không còn có thể ngồi vững trên chiếc ghế Chánh chưởng nội thị kia nữa, chức vị này chắc chắn sẽ thuộc về ngươi!”

 

Quốc Phụ nghe đến đây thì cung kính lui ra, mi mắt và đôi môi không giấu được nét cười đắc ý.

 

***

 

Tối đêm đó trời tĩnh lặng lạ thường, Nguyên Ninh ngồi trong phòng nghe rõ mồn một tiếng tuyết rơi. Bất chợt có cơn gió thoảng qua cửa sổ làm phát ra thanh âm ai oán. Đêm tối khiến cho âm thanh này giống như tiếng oan hồn đòi mạng, khiến Nguyên Ninh không khỏi cảm thấy bất an lẫn sợ hãi. 

 

“Tố Liên à, chúng ta chuẩn bị một vài thứ đến cung Thánh Từ!”

 

Lúc này Thái thượng hoàng đang ngồi xếp bằng trên tấm bồ đoàn trong tẩm điện để niệm kinh, chỉ thấy bóng dáng của công công thân cận là Xuân Bính đứng chần chừ ở ngoài cửa. Thấy hành động kỳ lạ này, Thái thượng hoàng liền chép miệng hỏi: “Có chuyện gì sao?”

 

“Dạ thưa thánh thượng, Đức phi điện hạ đến đây thăm người, hiện đang đứng chờ ở trước cửa điện.”

 

Thái thượng hoàng nhìn nén nhang trầm trên cao, chân mày khẽ chau nói: “Đã muộn thế này rồi Đức phi còn đến đây làm gì? Cho truyền vào trong!”

 

Đây là lần đầu tiên Nguyên Ninh đặt chân đến cung Thánh Từ, cũng là lần đầu tiên nàng gặp riêng Thái thượng hoàng. Chỉ thấy nơi đây được bày trí vô cùng giản dị, chẳng khác nào chốn thiền môn thanh tịnh. 

 

Đợi đến khi Nguyên Ninh bước vào trong đại điện, Thái thượng hoàng cũng vừa từ bên trong điện thờ bước ra. Trông thấy ngài ấy, Nguyên Ninh liền cung kính quỳ xuống: “Thần thiếp xin kính chào thánh thượng!”

 

Thái thượng hoàng vẫn để Nguyên Ninh quỳ ở đó, chỉ lạnh lùng hỏi: “Đêm lạnh đường trơn, Đức phi đội tuyết đi đến cung Thánh Từ, hẳn là có chuyện quan trọng cần bẩm báo?”

 

Nguyên Ninh liền đáp: “Dạ thưa thánh thượng, thời tiết lúc này vô cùng giá lạnh, rất dễ khiến người ta bị nhiễm phong hàn. Thần thiếp biết hôm nay thánh thượng đã dùng khá nhiều quýt mật. Tuy rằng quả quýt có nhiều công dụng, nhưng ăn nhiều có thể khiến cơ thể sinh nhiệt, cổ họng cũng có thể bị khô và sinh nhiều dịch đờm. Vậy nên thần thiếp đã chuẩn bị một quả lê chưng kỷ tử để dâng lên cho thánh thượng. Món này có công dụng thanh nhiệt, giảm ho, dùng chung với quýt mật thì không sợ cổ họng bị thương tổn!”

 

Xuân Bính công công nghe đến đây thì đưa tay định nhận thố lê chưng trong tay Nguyên Ninh, nhưng ngay lập tức đã bắt gặp ánh mắt lạnh lùng của Thượng hoàng, đôi tay ở đó chẳng biết là nên đưa tới hay là thu về, tình thế khó xử trăm phần. Chỉ nghe Thái thượng hoàng chậm rãi đáp: “Lê chưng kỷ tử ư? “Lê” đồng âm với “ly” trong “chia ly,” còn “tử” vừa có nghĩa là hạt vừa có nghĩa là con cái. Món lê chưng kỷ tử này của Đức phi có phải là có ý kêu trẫm rời xa Quan gia, từ nay không xen vào bất kỳ chuyện gì ở tiền triều đúng không?”

 

Nguyên Ninh không ngờ Thái thượng hoàng lại suy nghĩ sâu xa như thế, chỉ biết cúi đầu giải thích: “Dẫu lá gan của thần thiếp có to cách mấy cũng không dám suy nghĩ những chuyện như thế thưa thánh thượng. Thần thiếp nghe nói quả lê nếu như chưng thế này sẽ có tác dụng tiêu đàm, cho nên mới dốc tâm chuẩn bị để dâng lên cho người, bản thân muốn biểu lộ một chút hiếu đạo. Mọi chuyện chỉ đơn giản như thế thôi ạ!”

 

Thái thượng hoàng nghe đến đây, không nhịn nổi mà liền nở một nụ cười nhàn nhạt: “Trẫm thấy hiếu đạo của ngươi hình như đã dành cho Hưng Nhượng Vương hết cả rồi, lẽ nào vẫn thừa thải để biểu lộ trước mặt trẫm? Nếu như ngươi đã tìm đến tận cung Thánh Từ, vậy thì trẫm sẽ nhân việc này mà hỏi rõ ngươi một chuyện. Lần này Quan gia tốn nhiều tâm tư như thế để minh oan cho Hưng Nhượng Vương, ngươi chiếm bao nhiêu phần trong đó?”

 

Nguyên Ninh suy nghĩ đôi lát rồi nhẹ giọng đáp: “Nếu thần thiếp nói rằng, chuyện minh oan cho cha thần thiếp từ đầu đến cuối đều là do Quan gia tự mình quyết định, thánh thượng có tin không ạ?”


Chương trước << Danh sách chương >> Chương sau


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Danh sách chương