Chuyển đến nội dung chính

Chương 035. Giấc mộng phù du

C35. Giấc mộng phù du
Phụng vũ Trần triều - Tiểu Thọ Tử


Chương trước  << Danh sách chương >> Chương sau


Lễ đua thuyền ở bến Đông Bộ Đầu cuối cùng cũng kết thúc. Nghĩ đến cái hẹn với Phong Tranh ở tiệm trà Thiên Hương, Nhật Suỷ liền sai Quách Phụ chuẩn bị cho mình một bộ quần áo bình dị. Sau đó chàng ngồi trên xe ngựa giả dạng thường dân, cùng với Quách Phụ lặng lẽ vi hành.

Vén cửa sổ nhìn ra bên ngoài, trước mắt Nhật Suỷ là phong cảnh tấp nập của kinh sư. Trái với sự nhộn nhịp của nó, dòng sông Nhị tĩnh lặng tựa băng, giống như một chiếc gương khổng lồ phản chiếu vạn vật. Trong cảnh sắc tưởng chừng như đang bất động đó, duy chỉ có một nơi phát ra chút huyên náo. Một đám trẻ đang quây quần bên bến thuyền, cả gái lẫn trai đều không ngừng nhảy múa theo một điệu hát. Giọng hát trong trẻo này được phát ra từ chiếc thuyền buôn bên dưới.

“Chúng ta đánh cá dưới trăng,
Cá mà chẳng được thì anh bắt nàng.
May ra bắt được cá vàng,
Đem lên cung tiến cả làng bình yên.”

Nghe đến đó, đám trẻ con liền vỗ tay reo hò rồi nối đuôi nhau theo một vòng tròn, không quên vừa hát vừa cười khúc khích:

“Tầm vông í a vông tầm, vông vông tầm í a tầm vông.
Tầm vông í a vông tầm, vông vông tầm í a tầm vông.”

Giọng hát ngọt ngào của thiếu nữ lại vang lên, lần này trong thanh âm dường như có ba phần gửi gấm:

“Làm trai lấy được vợ khôn,
Khác nào cá vượt Vũ Môn hoá rồng.
Phận gái lấy được đúng chồng,
Khác nào chim sẻ thay lông phụng hoàng.”

“Tầm vông í a vông tầm, vông vông tầm í a tầm vông.
Tầm vông í a vông tầm, vông vông tầm í a tầm vông.”

Sau khi hát xong, đám trẻ liền rủ nhau chạy đến mạn thuyền: “Hát xong rồi, hát xong rồi! Cô Long Nữ hãy mau cởi bỏ nón che mặt đi ạ!”

Một thiếu nữ bước ra từ trong khoang thuyền. Đầu của nàng đội nón quai thao có mành che, khiến toàn bộ gương mặt của thiếu nữ bị lụa bao phủ. Chỉ nghe nàng nhẹ giọng cất tiếng: “Trên cao lúc này chỉ có vài tia nắng sưởi ấm dương gian. Nếu như cô cởi bỏ nón che mặt, sợ là mây mù sẽ kéo đến, như vậy thì không tốt chút nào!”

Nhật Suỷ nghe đến đây thì có chút tò mò: “Nàng ta đang nói khoác đó ư?”

Quách Phụ cười mỉm: “Xem bộ nàng ta chính là Long Nữ - một cô gái bán muối có tài gọi mưa. Hễ nàng ta xuất hiện thì mặt trời sẽ bị mây che phủ, đây là lời mà người dân ở kinh sư vẫn hay đồn đại thưa công tử!”

“Có chuyện thần kỳ vậy sao? Ta phải đích thân kiểm chứng mới được! Bây giờ ngươi hãy…” - Nhật Suỷ nói đến đó thì ghé tai Quách Phụ thì thầm.

Lúc này thiếu nữ kia đang đem người cỏ phát cho đám trẻ. Món đồ chơi này là nàng tự tay làm. Chúng ở đó ngộ nghĩnh dễ thương, khiến cho đám trẻ vô cùng thích thú. Giữa lúc đó thì Quách Phụ đã đặt chân đến thành cầu, vừa bước vừa cao giọng cất tiếng: “Ta muốn mua muối!”

Đám trẻ tản dần ra để Quách Phụ bước lại gần mạn thuyền. Thiếu nữ che mặt dừng tay lại, chỉ mỉm cười vui vẻ nói: “Không biết ngài muốn mua bao nhiêu cân?”

“Ta muốn mua hết chỗ muối trên thuyền của cô!”

Thiếu nữ nghe đến đó thì im lặng hồi lâu, cuối cùng nàng nhỏ giọng đáp: “Ngài nói đùa rồi!”

Quách Phụ lặng lẽ đem ra vài quan tiền, sau đó lắc đầu nói: “Ta không hề nói đùa! Ta thực sự muốn mua hết số muối của cô, nhưng mà cô phải cởi chiếc nón trùm mặt xuống!”

“Hay quá, hay quá!” - đám trẻ con ở đó reo hò.

Ẩn bên trong dải khăn lụa kia, đôi môi của thiếu nữ dần nở ra một nụ cười nhàn nhạt: “Phiền đại gia đi cho, muối này ta không bán!”

“Cô chê chỗ tiền này ít ư?” – Quách Phụ hỏi

Nụ cười của thiếu nữ càng trở nên rõ nét: “Tuy rằng ta chỉ là một thôn nữ bán muối quê mùa, nhưng cũng không tham lam đến độ lấy đi ánh nắng của người khác để sưởi ấm cho riêng bản thân mình. Nếu như đại gia thực sự muốn mua muối, cho dù là nửa lạng, ta đây cũng sẽ vui vẻ bán. Nhưng nếu đại gia muốn dùng tiền của mình để ép ta làm chuyện mà ta không muốn, thì dù ngài có trả ngàn vạn lượng vàng cũng không đủ!”

Nói xong câu này, thiếu nữ vỗ nhẹ lên đầu một đứa trẻ rồi lên thuyền chuẩn bị rời đi. Giữa lúc đó thì Nhật Suỷ đã bước khỏi xe ngựa: “Xin cô đây hãy chờ một chút! Tiết trời lúc này có phần lạnh giá, ta lại mang bệnh cảm trong người, cô có thể bán cho ta một tách trà nóng được không?”

Thiếu nữ không thèm nhìn mặt Nhật Suỷ, chỉ lạnh lùng đáp: “Trong thuyền của ta chỉ có muối. Nếu như ngài muốn uống trà, qua khỏi chiếc cầu kia sẽ có đến vài tiệm!”

Nhật Suỷ liền đáp: “Chẳng phải trong khoang thuyền đang có một ấm trà nghi ngút khói hay sao?”

Thiếu nữ có chút nghi hoặc: “Nãy giờ ngài vẫn ngồi yên ổn trong xe ngựa, tại sao lại biết trong thuyền của ta có ấm trà nóng?”

“Thạch xương bồ rất thơm! Cho dù xa cách mấy, ta vẫn có thể nghe được mùi hương này!”

Thiếu nữ khẽ gật gù rồi nhẹ giọng đáp: “Chẳng qua chỉ là một tách trà xương bồ, ngài không cần trả tiền, để ta mời là được!”

Nói xong câu này, thiếu nữ liền cẩn thận rót một tách trà đưa đến chỗ Nhật Suỷ. Lúc nàng ngẩng mặt nhìn lên, lồng ngực dường như có một chút xao xuyến. Đây là lần đầu tiên nàng nhìn thấy một chàng trai xuất chúng đến thế.

“Cô không sao chứ, Long Nữ?” – Nhật Suỷ hỏi.

Nhận ra mình đã thất lễ, thiếu nữ thu tay lại ngượng ngập cúi đầu. Sau đó hình như sực nhớ ra chuyện gì, nàng liền nhẹ giọng nói: “Xin ngài đừng gọi ta bằng cái tên đó! Đây vốn dĩ không phải tên thật của ta, nếu như tuỳ tiện gọi, sợ là sẽ đụng chạm đến thuỷ thần…”

“Vậy thì ta có thể gọi cô bằng gì?” - Nhật Suỷ nhẹ giọng hỏi.

Chẳng hiểu sao thiếu nữ ở đó lại có chút ngượng ngập: “Tên của ta là… Nhật Ảnh!”

Quách Phụ có chút kinh hãi: “Chữ “Nhật” trong tên của cô là chữ “Nhật” nào?”

Nhật Ảnh không biết tên mình đã phạm huý, chỉ thành thật nói: “Bản thân ta không được học hành, không biết tên mình được viết ra sao. Chỉ biết cả nhà ta vốn sống bằng nghề làm muối, cho nên cha mẹ đã đặt cho ta cái tên Nhật Ảnh, nghĩa là ánh mặt trời soi xuống ruộng muối.”

Quách Phụ nghe đến đó thì âm thầm liếc nhìn Nhật Suỷ, cuối cùng nhẹ giọng đáp: “Nghe nói mỗi khi cô lộ mặt ra ngoài, mây mù trên cao sẽ kéo đến che phủ vầng dương, cho nên cô buộc phải chèo thuyền đến kinh sư để buôn bán, thay vì ra đồng phụ giúp cha mẹ mình. Chuyện lạ này xem chừng là bắt nguồn từ cái tên của cô. Tốt hơn là cô nên nhờ cha mẹ đổi cho mình một cái tên khác, hoạ chăng sẽ có thể thay đổi tình hình!”

Nhật Ảnh cắn nhẹ đầu môi, âm thầm suy xét lời này của Quách Phụ. Giữa lúc đó thì bất chợt có một cơn gió mạnh kéo đến, khiến cho dải lụa trắng trước mặt nàng khẽ bay. Mặt mũi của Nhật Ảnh thấp thoáng hiện ra, cùng lúc đó thì ánh nắng trên cao cũng đột ngột tắt hẳn.

Có tiếng sành sứ bị vỡ vụn, tách trà của Nhật Suỷ đã tuột khỏi tay chàng: “Nguyệt…”

Quách Phụ nghe thấy câu đó, cho nên liền gật gù nói: “Cái tên này rất hay, từ nay cô hãy đổi tên thành Nguyệt Ảnh!”

Nhật Suỷ im lặng hồi lâu, sau cùng nhìn về phía của Nhật Ảnh nhẹ giọng nói: “Cô là người ở đâu đến đây?”

Nhật Ảnh liền đáp: “Ta lớn lên ở một làng chài ven biển, nơi không có ruộng lúa mà chỉ có những ruộng muối trắng ngần. Bởi vì không có gạo, chúng ta phải dùng cây báng để làm lương thực. Không biết ngài có biết nơi này hay không?”

Cây báng vốn có tên chữ là quang lang, dựa vào những lời này, Nhật Suỷ đã có thể đoán được quê quán của Nhật Ảnh: “Là làng Quang Lang, huyện Thuỵ Vân, phủ Thái Bình ư?” - nhưng mà chàng có chút hụt hẫng: “Vậy thì họ của cô là gì?”

“Ta họ Nguyễn!”

Nhật Suỷ hít sâu một hơi, sau cùng chàng lặng lẽ lẩm bẩm: “Xem bộ chỉ là trùng hợp…”

“Ngài nói sao?” - Nhật Ảnh tò mò hỏi.

Nhật Suỷ vội vàng đáp: “Không có gì, chỉ là ta có chút thắc mắc. Làng Quang Lang cách kinh thành Thăng Long rất xa. So với chốn kinh sư này, bến Vân Đồn cũng là nơi tấp nập không kém. Chỗ này lại nằm gần quê nhà của cô. Nếu như ta là cô, ta sẽ chèo thuyền đến đó!”

“Hiện giờ người trấn giữ Vân Đồn là Nhân Huệ Vương. Tính tình của ông ta tham lam, thô bỉ, muốn làm ăn buôn bán ở đây không phải chuyện dễ!” - Nhật Ảnh nói đến đó thì cúi thấp đầu, sau cùng nàng nhẹ giọng: “Hơn nữa ta lặn lội chèo thuyền đến kinh sư là vì… ta muốn có cơ hội được nhìn thấy một người.”

Nhật Suỷ nheo mắt tư lự: “Nhân Huệ vương tham lam lắm sao?”

Nhận thấy Nhật Ảnh đang tò mò nhìn mình, cho nên Nhật Suỷ liền nhanh miệng nói: “Có thể khiến cho cô vượt qua quãng đường dài như thế để gặp mặt. Cái người này chắc hẳn rất quan trọng đối với cô!”

Nhật Ảnh âm thầm gật đầu: “Đối với ta và dân làng Quang Lang, người đó là ân nhân cứu mạng. Trong quá khứ, người đó đã từng giúp cả làng của ta vượt qua nạn đói. Dù chỉ đứng từ xa nhìn trộm người đó, bản thân ta đã cảm thấy mãn nguyện lắm rồi!”

Nhật Suỷ nghi hoặc hỏi: “Người mà cô nhắc đến là Quan gia ư?”

Nhật Ảnh không trả lời, chỉ lặng lẽ đưa mắt về phía bến Đông Bộ Đầu, sau cùng buồn bã nói: “Mong ước này của ta xem ra quá xa vời. Bản thân ta chỉ là một thôn nữ bán muối thấp hèn, làm sao có cơ hội được nhìn thấy ngài ấy?”

Đội cấm vệ theo hầu Nhật Suỷ canh phòng rất nghiêm ngặt, xem bộ Nhật Ảnh đã từng cho thuyền đến bến Đông Bộ Đầu, nhưng đã bị binh lính ngăn lại. Thấy vậy nên Nhật Suỷ liền đáp: “Nghe nói Quan gia thường hay vi hành để xem xét đời sống của nhân dân, xem chừng cô đã từng gặp qua ngài ấy!”

Nhật Ảnh có ánh cười ở đuôi mắt, cứ như thế mà gật đầu đáp: “Quan gia quả thực là một minh quân! Nếu như ta may mắn gặp được ngài ấy, ta sẽ đem bánh bột báng và chè hạt đác dâng lên. Mấy món này đều được làm từ cây báng, là đặc sản của làng Quang Lang chúng ta!”

Nhật Suỷ mỉm cười nói: “Ngồi nhăm nhi một tách trà xương bồ với mấy món điểm tâm này thì còn gì bằng? Quan gia chắc chắn sẽ thích! Ta tin rằng một ngày nào đó cô sẽ có cơ hội được nhìn thấy ngài ấy!”

Nhật Suỷ vừa nói xong câu đó thì bỗng thấy trước mắt xuất hiện rất nhiều con côn trùng màu trắng. Chúng bay lượn tứ tung rồi đáp xuống mặt nước, tạo ra một cảnh tượng huyền ảo hiếm thấy.

Một đứa bé bên trong khoang thuyền chạy ra, trông thấy Nhật Ảnh, vẻ mặt của nó có chút hốt hoảng: “Không liên quan đến con! Là Xuân Mai đã kéo tấm vải trắng ra, cho nên đám vật vờ mới bay đi mất!”

Nhật Ảnh nghe đến đó thì chau mày thở dài: “Cô đang định đem bọn chúng đến một nơi vắng vẻ để thả, vậy mà các con…”

“Xin lỗi cô Long Nữ…”

Nhật Suỷ đưa mắt nhìn đám côn trùng kỳ lạ đang lướt trên mặt nước, không nhịn nổi mà tò mò hỏi: “Vật vờ ư? Mấy con này có tên là vật vờ sao?”

“Ngài sống ở kinh thành mà không biết sao? Loài côn trùng này gọi là vật vờ, dành cả đời trong nước để đợi đến lúc lột xác, vậy mà chỉ có thể đập cánh trong vài giờ ngắn ngủi, cuối cùng sẽ chết đi rồi trôi dạt trên mặt nước!” – thanh âm của Nhật Ảnh có chút thương cảm khi nói ra câu này. Nhật Suỷ nghe đến đó thì gật gù đáp: “Xem bộ chúng chính là phù du.

Trước giờ ta chỉ biết đến chúng thông qua sách vở, không ngờ vẻ ngoài của chúng lại độc đáo như vậy!”

Nhật Ảnh thở dài: “Cho dù lộng lẫy đến thế, nhưng vòng đời của chúng thật quá ngắn ngũi! Chưa kể để có thể bay lượn thoả thích, đám vật vờ này phải thoát được lưới đánh bắt của ngư dân. Quả đúng là kiếp phù du, sớm bay tối mất!”

Nhật Suỷ tò mò hỏi: “Bởi vì muốn cho chúng có thể tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc vinh diệu này, cho nên cô đã mua lại chúng từ chỗ của ngư dân sao?”

Làn mi của Nhật Ảnh lộ ra nét thương cảm, cứ như thế mà chậm rãi gật đầu. Nhật Suỷ lặng nhìn ánh mắt của nàng hồi lâu, sau đó lại nhìn về đám vật vờ đang thoả sức bay lượn, cuối cùng chàng chậm rãi đọc bài Phù Du, một bài thơ nằm trong Thi Kinh của Khổng Tử:

Phù du chi vũ,
Y thường sử sử.
Tâm chi ưu hĩ,
Ư ngã quy xử.

nghĩa là:


Phù du đập cánh bay cao,
Chóng tan như áo nhuộm màu phấn tiên.
Lòng ta chỉ thấy muộn phiền,
Về đâu để sống bình yên một đời.


---oOo---

Ánh mặt trời trên cao thoáng chốc bị mây mù che phủ, khiến tiết trời lúc này càng trở nên lạnh lẽo. Công tử mặt trắng trông thấy đầu vai của Nguyên Ninh khẽ run, cho nên liền nhẹ giọng nói: “Bây giờ bên ngoài đang rất lạnh, áo choàng này của ta chẳng đáng giá bao nhiêu, vậy nên cô cứ giữ lấy nó mà dùng! Nếu như cô muốn trả nó cho ta, chỉ cần đem áo này đến tiệm trà Thiên Hương gửi cho chủ quán là được. Bà ấy là người quen của ta!”

Công tử mặt trắng nói đến đây thì nhanh chân rời đi. Nguyên Ninh cúi đầu cảm ơn chàng, chỉ nghe Phong Tranh nhẹ giọng nói: “Ở bên cạnh quầy tượng gỗ khi nãy là một tiệm quần áo, chúng ta hãy đến đó tìm cho chị một bộ để thay! Nếu như chị bị cảm lạnh, Quan gia chắc chắn sẽ trách phạt em!”

Nguyên Ninh gật đầu cho là phải. Nàng cúi xuống nhặt đoá hoa bìm biếc lên tay, lặng lẽ cho nó vào túi áo rồi cất bước rời đi. Lúc hai nàng quay lại chỗ cũ, ông chủ quầy tượng gỗ đã đứng đó tự bao giờ. Trên tay của lão đang giữ hai cặp người gỗ được gói sẵn, cứ như thế mà gấp gáp đưa đến chỗ Phong Tranh: “Đây là tượng gỗ của hai vị đây ạ!”

Phong Tranh bắt lấy cặp tượng gỗ kia, tranh thủ trả tiền rồi nắm tay Nguyên Ninh đi đến tiệm quần áo, kỹ lưỡng chọn cho nàng một bộ màu xanh lục. Mặc dù không còn bị ướt, nhưng mà Nguyên Ninh vẫn cảm thấy lạnh, cho nên nàng vẫn khoác lấy chiếc áo choàng của công tử kia, cùng với Phong Tranh hướng về phía tiệm trà Thiên Hương mà cất bước.

Lúc này Phong Tranh mới có thời gian nhìn lại hai cặp người gỗ mà mình vừa mua. Tuỳ tiện lấy một con ra nhìn, Phong Tranh nhận ra hoạ tiết dưới chân của nó là do Nguyên Ninh vẽ. Vậy nên nàng liền bỏ nó vào trong túi vải của mình, sau đó đưa cho Nguyên Ninh cặp người gỗ còn lại: “Hai con người gỗ này là của chị và Quan gia!”

Nguyên Ninh giữ lấy hai con người gỗ kia, bất giác nghĩ đến những lời mà Phong Tranh đã nói. Lúc đó hai nàng đứng trên cầu, bất chợt nghe được có tiếng huyên náo phát ra từ khu chợ bên dưới. Ở trước tiệm trà Thiên Hương có một đám vô lại đang vây đánh một người. Hai nàng nhìn kỹ thêm một chút, cuối cùng nhận ra người đang bị vây đánh chính là công tử mặt trắng khi nãy. Xem bộ tên cướp vừa rồi đã cùng đồng bọn quay lại để trả thù.

Trong lúc hỗn loạn, công tử mặt trắng đã kịp bắt lấy một chiếc chèo gỗ làm vũ khí, sau đó đánh văng gậy trúc trên tay bọn vô lại kia. Năm sáu tên cao to mặt lớn vậy mà không thể đấu lại một công tử dáng người nhỏ nhắn, trái lại còn tìm cách đê hèn để ám toán chàng. Bắt lấy một chiếc nghiên mực được bày ở bên đường, tên vô lại béo nhất đã hất nó vào mặt công tử kia, khiến cho chàng không thể mở mắt để quan sát, cứ như thế mà rơi vào thế yếu.

Giữa lúc một tên vô lại khác đang thừa cơ xông đến, bỗng dưng có một viên đá bay đến thái dương của hắn, khiến cho tên vô lại ôm mặt kêu đau. Công tử mặt trắng nhờ vậy mà có thể lùi về sau vài bước.

Ngay sau đó, một bóng người cao lớn đã lao đến trợ giúp công tử kia. Nguyên Ninh vẫn đang còn nheo mắt nhìn kỹ gương mặt của chàng, bên tai đã nghe được thanh âm vui mừng của Phong Tranh: “Đó chính là anh Quốc Chẩn!”

Vốn dĩ từ nhỏ Quốc Chẩn đã sống ở ngoài cung, được Thái hậu đưa đến chùa Thắng Nghiêm để tu học và rèn luyện võ thuật, vậy nên võ công của chàng vô cùng siêu phàm. Đám vô lại ở đó so với rơm rạ chẳng khác là bao, trong phút chốc đã bị đánh đến tan đàn xẻ nghé, chỉ biết vác chân lên cổ mà bỏ chạy.

Mực đen vẫn còn lem luốc trên mặt, cho nên công tử kia vẫn chưa thể nhìn rõ người đã giúp mình. Quốc Chẩn nhìn thấy bộ dạng khổ sở đó của chàng, cho nên liền dùng tay áo để lau đi chỗ mực kia. Giữa lúc chàng đang cẩn thận lau mực, chiếc túi thơm bên hông khẽ phát ra mùi bạc hà và đinh hương. Công tử kia vì mùi hương này mà ngượng ngập cúi đầu, làn da trắng trên cổ cũng dần chuyển sang một màu đỏ ửng.

Phong Tranh không khỏi vui mừng khi Quốc Chẩn đánh đuổi được lũ vô lại. Nàng muốn kéo tay Nguyên Ninh chạy đến đó, nhưng khi nàng quay đầu nhìn lại, hình bóng của Nguyên Ninh đã biến mất tự bao giờ. Có một nỗi bất an dần lan toả nơi lồng ngực, Phong Tranh đưa mắt nhìn quanh để tìm kiếm hình bóng của Nguyên Ninh. Bất giác nàng nhận ra áo choàng của Nguyên Ninh đang nằm trong một chiếc thuyền câu, cứ như thế mà lớn tiếng hét lên: “Anh Quốc Chẩn!”

Quốc Chẩn được gọi tên thì đưa mắt nhìn lên cầu, chỉ nghe Phong Tranh gấp gáp nói: “Anh hãy mau đuổi theo chiếc thuyền kia! Chị Nguyên Ninh đã bị bắt lên đó!”

“Em nói sao?” - Quốc Chẩn chỉ kịp thốt ra một câu ngạc nhiên rồi đưa mắt nhìn về chiếc thuyền kia. Chỉ thấy gã đánh cá đang nhanh tay chèo thuyền ra giữa sông, vậy nên Quốc Chẩn liền nhanh chân đuổi theo, bỏ lại vị công tử hãy còn dính đầy mực trên mặt.

Chàng ta lau vội hai mắt để xem xét tình hình. Nhìn thấy Phong Tranh ở trên cầu chạy xuống, chàng công tử đã biết người bị bắt là ai. Bất giác chàng cảm thấy vô cùng lo lắng: “Thôi chết! Xem bộ áo choàng của ta đã hại nàng ấy rồi…”

Quốc Chẩn đưa mắt nhìn con thuyền kia, chỉ thấy nó lướt đi thoăn thoắt. Tên đánh cá rất am tường về con nước ở đây, cho nên mới có thể di chuyển nhanh đến vậy. Nghĩ đến đó, Quốc Chẩn liền mượn tạm một con thuyền, cứ như thế mà dồn lực vào mái chèo để đuổi theo hắn

Đợi đến khi Quốc Chẩn bắt kịp nó, ở bên trong chiếc thuyền chẳng có ai ngoài gã đánh cá kia và một chiếc áo choàng màu xanh biếc. Chàng túm lấy cổ áo của hắn, gấp gáp hỏi về tung tích của Nguyên Ninh, chỉ nghe tên đánh cá hoảng sợ nói: “Xin ngài đừng đánh, thật ra ta không biết gì cả! Vừa nãy có một người đưa cho ta chiếc áo này kèm theo một ít tiền, dặn ta phải ngay lập tức cho thuyền ra khơi!”

“Điệu hổ ly sơn? Vậy ngươi có biết hắn đã đi đâu không?” - Quốc Chẩn gấp gáp hỏi, chỉ thấy gã đánh cá trỏ tay lên đường: “Hắn đã lên chiếc xe ngựa đó rồi ạ!”

Nghe xong câu này, Quốc Chẩn liền quay đầu lên bờ xem xét tình hình. Ở đó chỉ có một chiếc xe ngựa đang chạy trên đường lớn, cho nên Quốc Chẩn liền hướng về phía Phong Tranh cao giọng nói: “Mau tìm người đuổi theo chiếc xe ngựa kia! Nguyên Ninh đang ở trên đó!”

Nói xong câu này, Quốc Chẩn cũng vung mái chèo lái chiếc thuyền vào bờ. Công tử mặt trắng nghe xong câu này thì chạy đến tiệm trà nhảy lên một con ngựa, sau đó siết chặt dây cương đuổi theo chiếc xe kia.

Ở bên trong chiếc xe đó, cuối cùng thì Nguyên Ninh cũng dần tỉnh dậy. Nhận thấy tay chân bị trói chặt, nàng không giấu được sự sợ hãi: “Các người là ai? Tại sao lại bắt ta?”

“Bọn ta chỉ làm theo lệnh của đại vương, đưa cô trở lại nơi mà cô thuộc về! Tiên Nương à, mấy năm nay cô lẩn trốn cũng thật là giỏi! Cô có biết bọn ta tốn rất nhiều công sức mới tìm ra tung tích của cô hay không? Tốt nhất là cô nên ngoan ngoãn nghe theo bọn này!” - một tên vô lại cất tiếng.

Nguyên Ninh càng nghe càng cảm thấy thắc mắc: “Ngươi nói gì vậy? Ta vốn dĩ đâu phải Tiên Nương! Các ngươi đã bắt nhầm người rồi!”

Một tên vô lại khác cười khẩy: “Phàm là người đẹp, tất cả đều là do hồ ly biến thành. Hãy bịt mồm cô ta lại rồi cho vào bao bố, bằng không chúng ta sẽ bị những lời xảo quyệt này qua mặt!”

Mấy tên vô lại khác nghe thế thì gật gù cho là phải. Cứ như thế, Nguyên Ninh bị nhốt vào bao bố trong sự bất lực. Chiếc xe ngựa theo đó mà lướt đi càng lúc càng nhanh. Nhưng mà bất thình lình, hai con ngựa phía trước chợt hí lên thật to. Tên đánh ngựa cũng đột ngột cho chiếc xe phanh gấp. Đám vô lại bên trong vì lẽ đó mà ngã nhào. Một tên vô lại vén màn cửa tức giận nói: “Con bà nó! Rốt cuộc là có chuyện gì vậy?”

Tên đánh ngựa cũng tức giận không kém: “Chẳng biết tên khốn nào đang dừng xe phía trước. Đường ở chỗ này hẹp như thế, xe của chúng ta không lách qua được!”

Tên vô lại đảo mắt nhìn quanh, cuối cùng nhận thấy có vài người đang tụ tập dưới bến sông, cho nên hắn liền lớn tiếng quát: “Bọn kia, chiếc xe ngựa này có phải là của các ngươi không?”

Quách Phụ quay đầu lại nhìn, sau cùng nhẹ giọng nói với Nhật Suỷ: “Xem bộ xe ngựa của chúng ta đã chắn hết lối đi. Nô tài sẽ lên bờ cho xe chạy đến chỗ rộng hơn, lát nữa sẽ trở lại đón công tử!”

Lúc Quách Phụ đi ngang chiếc xe ngựa của đám vô lại kia, bản thân bất giác nghe được âm thanh lạ. Tên vô lại đang ngồi ở đầu xe thấy hắn tò mò, cho nên liền nhướng mày nghiến răng nói: “Nhìn cái gì? Còn không mau cho xe vào lề để ông đây đi qua?”

Quách Phụ càng nhìn càng cảm thấy nghi ngờ, giữa lúc đó thì bỗng có một con ngựa từ xa phi tới. Người đang cưỡi trên lưng của nó không ai khác mà chính là công tử mặt trắng: “Mau thả người!”

Tên vô lại kia thấy thế thì nhảy xuống túm cổ áo của Quách Phụ ném sang một bên, sau đó cướp lấy chiếc xe ngựa của hắn rồi đánh xe vào lề, không quên quay đầu nói với tên đánh ngựa: “Mau thúc ngựa chạy đi, ta sẽ ở lại giữ chân hắn!”

Nói xong câu này, tên vô lại liền cho xe ngựa quay đầu để tông trực diện vào công tử mặt trắng kia. Chàng thấy nguy không loạn, cứ như thế mà siết chặt dây cương để điều khiển con ngựa của mình chạy theo hướng khác. Sau đó chàng dồn lực vào chân nhảy lên chiếc xe ngựa của tên vô lại kia, thuận chân đá vào mặt của hắn một cú thật mạnh.

 Chương trước  << Danh sách chương >> Chương sau

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Danh sách chương